Cổng game đổi thưởng số 1 - GameLoop chính thức

banner

125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 3: Tìm cây cao su của bác sĩ Yersin ở Suối Dầu

Tất cả tư liệu về buổi đầu 'mò mẫm' thực nghiệm trồng cây và khai thác mủ cao su tại Việt Nam đều nhắc tới công lao vị bác sĩ khả kính Yersin tại đồn điền Suối Dầu (phía tây dãy núi Hòn Bà, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Mộ bác sĩ Yersin nằm giữa những tán cao su - Ảnh: THÁI LỘC

Rẽ theo tấm bảng chỉ dẫn khu mộ bác sĩ Yersin bên lề quốc lộ 1, đi qua chiếc cổng đồn điền xưa được Viện Pasteur xây dựng lại, đập vào mắt chúng tôi là những cây cao su gốc to gần hai vòng tay ôm, da sần sùi đặc trưng của cao su cổ thụ nhưng tán lá xanh um, đầy sức sống, râm mát cả đoạn đường.

Khu lăng mộ dưới tán cao su

Khu mộ nằm trên đồi với cổng chính hướng núi Hòn Bà. Trên đoạn đường vào cửa khu mộ dài gần 1km, chúng tôi đếm được hơn chục cây cao su cổ thụ như thế, kể cả những cây đã bị gãy và chỉ còn một phần gốc đang trong quá trình mục nát bởi thời gian.

Bước qua cửa chính vào khu lăng mộ nằm trên sườn một ngọn đồi, những cây cổ thụ được đính bảng tên "cây cao su" tiếp tục dẫn đến tận nơi ông Yersin nằm lại. 

Vòng quanh ngôi mộ sạch sẽ ghi tên và năm sinh, năm mất (1863 - 1943) của ông cũng có nhiều cây cao su to lớn tỏa bóng và rất nhiều cây cao su con mọc lên tự nhiên từ hạt những cây già rơi xuống, giúp không khí nơi lăng mộ dễ chịu hơn dưới cái nắng hè gay gắt.

Chúng tôi thắp nhang, kính cẩn đọc bia mộ khắc công lao vắn tắt của vị bác sĩ tài ba này: "Phát hiện độc tố bệnh bạch hầu năm 1888. Thám sát lần đầu cao nguyên Lâm Viên năm 1893 giúp thiết lập nên thành phố nghỉ mát Đà Lạt. Tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch năm 1894 và điều chế huyết thanh chữa trị. Sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895. Di thực vào Việt Nam cây cao su năm 1897 và cây canh kina năm 1917".

Nhiều bài viết về bác sĩ Yersin sau này cho rằng ông là người đầu tiên đem cây cao su vào Việt Nam, nhưng nhiều tư liệu cho thấy đây là sự nhầm lẫn. Trong cuốn sách 100 năm cao su ở Việt Nam, tác giả Đặng Văn Vinh viết Yersin "bắt đầu bị cao su chinh phục" sau khi các cây cao su do Vườn thực vật Sài Gòn gửi ra. 

Những cây cao su từ đó được trồng tại đồn điền Suối Dầu vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 năm 1897 đã phát triển "đẹp vô cùng", theo như miêu tả của chính Yersin khi viết thư cho một người bạn đã hỗ trợ vốn cho ông đầu tư trồng cây cao su. 

Như vậy, vào năm 1897, Yersin chỉ trồng lại các cây giống từ Sài Gòn chứ không phải là người đầu tiên đem cao su vào trồng thành công tại Việt Nam.

Và sau lứa cao su đầu tiên lên khỏe mạnh, năm 1898 Yersin đặt mua hai đợt hạt cao su từ Sri Lanka với tổng lượng 1.500 hạt và đây là đợt nhập giống cao su lớn thứ 2 vào Việt Nam, dù các hạt giống cao su thời điểm này vô cùng đắt đỏ.

Cây cao su cổ thụ bên sườn dốc tả ngạn Suối Dầu, tại khu A đồn điền xưa - Ảnh: SƠN LÂM

Cây cao su cổ thụ trên dốc núi Hòn Bà

Chúng tôi rời khu mộ, đi qua cầu Suối Dầu ngược lên vùng tả ngạn dòng suối theo con đường ngoằn ngoèo do chính bác sĩ Yersin đã khai phá để lập một phòng làm việc, khu vườn thực nghiệm ở độ cao 1.500m trên gần đỉnh Hòn Bà. Theo những tư liệu Yersin để lại, khu sườn dốc tả ngạn suối này chính là nơi ông đã trồng những cây cao su đầu tiên.

Anh Lưu Văn Nông - phó phòng giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà - đã dẫn chúng tôi qua barie của trạm kiểm lâm bảo vệ rừng tại km12 và đến khu vực bảo vệ nghiêm ngặt tại km21 đã xuất hiện một vạt cây cao su ven đường. 

Đây đều là những cây cao su "còn quá trẻ" so với mục đích tìm kiếm của chúng tôi. Cách cây mọc um tùm đan xen nhau tự cho thấy vạt rừng cao su này đã tái sinh một cách tự nhiên.

"20 năm ở đây rồi, cao su thì chỉ thấy mấy cây tái sinh như thế này là nhiều thôi. Trước khi thành lập khu bảo tồn, khu vực này đã được giao đất cho người dân trồng trọt. Có người cũng từng khai thác mủ cao su ở đây mà nghe đâu vì mủ ra không tốt nên họ đã chuyển sang cây trồng khác lâu lắm rồi. Giờ chỉ còn đám cây tái sinh mọc ven đường thôi", anh Nông nói.

Trong khi chúng tôi quay xuống núi với ý nghĩ có thể vết tích của khu vườn cao su khi xưa chỉ còn là những vạt rừng trẻ thì có lẽ là... bác sĩ Yersin đã hiển linh. Trận mưa sầm sập đưa chúng tôi chạy vội vào căn chòi ven đường và gặp ngay ông Lê Văn Hiệp - người đã được Nhà nước giao đất làm vườn ở khu vực này từ năm 1995, cũng đang trú mưa.

72 tuổi, ông Hiệp khá kiệm lời, nhưng khi được hỏi về cây cao su của bác sĩ Yersin thì giọng ông trở nên sang sảng: "Đúng, cụ Yersin trồng cao su từ dưới chỗ trại chăn nuôi lên đến khu vực này. Trồng trên sườn núi lên đến khoảng độ cao 250m".

Gần 30 năm trước, ông Hiệp đến đất này thì vườn cao su của bác sĩ Yersin gần như đã bị phá hoàn toàn. 

"Nguyên tắc trồng cao su thì phải trồng thành hàng để khai thác. Nhưng lúc lên đây, tui đã không còn thấy vết tích hàng lối gì của vườn. Chỉ còn những lùm cao su mọc sát nhau. Kiểu như hạt cây cũ rơi xuống và chúng tái sinh tự nhiên lên. Có cây to bằng thân người lớn, nhưng nhìn thì biết cũng là cây mọc lên sau này chứ không thể là cây do Yersin trồng được".

Nói đến đây, bỗng ông Hiệp à lên: "Một cây có thể. Cây cao su cổ thụ ngay miếu bà". Anh Nông đã dẫn chúng tôi đi ngược lên ngôi miếu được người dân xây dựng ở km20 đường lên Hòn Bà. Nhưng lúc này, mọi chú ý của chúng tôi đều dồn vào cây cao su ngay bên cạnh miếu.

Một cây cao su thân to hơn hai vòng ôm, vươn đọt cao hơn 20m để chen tìm ánh mặt trời với những cây rừng khác. Vỏ cây dày, thô ráp thành từng mảng xù xì làm nơi sống cho đám dây leo chi chít quanh thân. Dù vậy, vẫn còn có thể nhận ra những đường nét sẹo vòng theo thân cây, cho thấy cây từng được khai thác mủ. 

Phải chăng có thể là những vết cạo do chính bác sĩ Yersin khai thác mủ xưa kia?

Để nghiên cứu cây cao su, bác sĩ Yersin đã đi các nơi đang thử nghiệm trồng cao su trên thế giới như Singapore, Malaysia, Sri Lanka, Ấn Độ. Ông cùng với phụ tá, kỹ sư nông học Vernet, đã ngày đêm nghiên cứu để tìm ra các đặc tính phù hợp đất trồng cây, cách thức trồng, bón phân...

Đặc biệt, chính bác sĩ Yersin và Vernet đã đặt nền móng cho việc khai thác mủ sao cho cây sống khỏe mạnh. Những ghi chép được ông Vernet xuất bản thành sách tại Paris năm 1905 trở thành một trong những tài liệu đầu tiên về cách thức khai thác cây cao su và có giá trị nhiều thập niên sau.

Năm 1905, Suối Dầu chính thức mở miệng cạo một số cây cao su đầu tiên để thử nghiệm, thu được con số rất ít là 1,316kg cao su khô gửi cho Hãng Michelin ở Pháp bán được... 28,5 Francs. Theo danh sách những đồn điền cao su tại Việt Nam được in năm 1916, đồn điền của Yersin đã có 60.000 cây cao su. Danh sách năm 1926 ghi lại con số 100.000 cây trên 275ha...

Hàng cao su cổ thụ trên đường vào khu lăng mộ Yersin - Ảnh: SƠN LÂM

Đến cuối năm 1906, Việt Nam có tất cả 9 đồn điền cao su và toàn bộ của người Pháp. Trong đó, có 2 đồn điền Ông Yệm (cũng là vườn thực nghiệm) và Bàu Cau ở Thủ Dầu Một thuộc quản lý của chính quyền Pháp.

Gia Định có 3 đồn điền tư nhân của Belland ở Phú Nhuận, Canavagio ở Thủ Đức và Josselme ở Vĩnh An Tây. Bà Rịa có đồn điền của Arcillon. Tây Ninh có đồn điền của O’connell. Vùng Trung Kỳ lúc ấy chỉ có duy nhất đồn điền của Yersin ở Suối Dầu.

Tổng diện tích các đồn điền khoảng hơn 800ha.

Năm 1907 đánh dấu bước nở rộ cao su vườn thần tốc tại Việt Nam, gắn liền với sự ra đời một đồn điền mà tất cả tư liệu cây cao su thời Pháp tại Đông Dương đều ghi chép tỉ mỉ: đồn điền Suzannah.

Kỳ tới: Thăm vườn cao su đầu tiên ở miền đất đỏ

Sơn Lâm - Thái Lộc
Theo Báo Tuoitrte.vn