Chúng tôi về thăm lại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) - một thị trấn có thời tiết dễ chịu, nhiều con đường phủ cây xanh mát rượi, đi bất kỳ hướng nào cũng đụng phải vườn cao su.
"Cao su đi đến đâu thì mở điện, đường, trường, trạm đến đó. Các đồn điền cao su là tiền đề để tạo lập rất nhiều địa bàn dân cư trù phú trên bản đồ hiện nay. Các anh về thăm nhà truyền thống Công ty cao su Dầu Tiếng sẽ thấy rất rõ", anh Lê Văn Thắng - phó ban tuyên giáo thi đua Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - nói một cách tự hào.
Trung tâm đồn điền cao su thành trung tâm thị trấn
Chúng tôi về thăm lại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) - một thị trấn in trong trí nhớ những lần ghé thăm trước đó là có thời tiết dễ chịu, nhiều con đường phủ cây xanh mát rượi và đi bất kỳ hướng nào cũng đụng phải vườn cao su.
Lần này, chị Ao Thị Mỹ Lệ - cán bộ Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng - đã giới thiệu cho chúng tôi kỹ hơn về "thị trấn cao su" này.
Nhà truyền thống của Công ty cao su Dầu Tiếng nằm ở địa chỉ số 1 đường Thống Nhất, cổng chính hướng về phía bắc, ngay vòng xoay lớn nhất ở trung tâm thị trấn, trục giao các con đường chính của Dầu Tiếng là Thống Nhất, 13-3 và Hùng Vương.
Căn nhà được xây dựng khang trang với tổng diện tích hơn 400m2, là nơi trưng bày rất nhiều lưu vật và hình ảnh liên quan hoạt động các đồn điền cao su từ thời Pháp đưa cây cao su về đây trồng vào năm 1917.
"Nhà truyền thống đã được số hóa, các bạn có thể xem 3D trên điện thoại", chị Lệ nói thêm trong khi thuyết minh cho chúng tôi về những lưu vật trưng bày theo từng giai đoạn một cách trang trọng.
Trong khuôn viên chung của nhà truyền thống nối "mặt tiền" từ đường Thống Nhất qua đường 13-3, còn cả một hồ bơi được người Pháp xây dựng từ gần một thế kỷ trước. "Đây là hồ bơi xây nổi được người Pháp xây dựng còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Bên phải là sân vận động thuộc Trung tâm văn hóa thể thao cao su Dầu Tiếng. Bên trái, cách con đường Yết Kiêu, là trụ sở của công ty cao su. Đối diện bên kia mặt tiền đường 13-3 là khu vực mà xưa kia là nhà của các điền chủ Pháp từng ở", chị Lệ nói thêm.
Từ vòng xoay này mở rộng ra bốn phía xưa kia đều là các lô cao su bạt ngàn. Đi từ vòng xoay theo đường Hùng Vương về phía bắc sẽ gặp Trường mầm non Sơn Ca bên trái, được ngành cao su xây dựng từ năm 1978, nơi lưu dấu ký ức tuổi thơ của hầu hết các thế hệ từ 8X cho đến nay được sinh ra tại thị trấn Dầu Tiếng.
Liền đó là Bệnh viện Đa khoa cao su Dầu Tiếng - có nền móng ban đầu là bệnh xá 10 giường với 20 cán bộ y tế vào cuối năm 1976. Đến nay, bệnh viện này đã là bệnh viện hạng 3 với 126 giường và vẫn là một trong những trung tâm y tế quan trọng của vùng.
"Các bạn thấy đó, trung tâm của thị trấn Dầu Tiếng bây giờ tuy không còn nhiều cây cao su vì đã đô thị hóa nhưng nhìn đâu cũng thấy bảng hiệu có chữ cao su, từ bệnh viện cho tới trường học, khu thể thao giải trí", chị Lệ nói khi dẫn chúng tôi đi về Vườn cao su thời Pháp thuộc - di tích cấp tỉnh Bình Dương, nằm cách vòng xoay trung tâm hơn 9km về phía đông bắc.
Bệnh viện đa khoa cao su Dầu Tiếng, ban đầu là bệnh xá được xây dựng năm 1976, đến nay vẫn là trung tâm y tế quan trọng của vùng - Ảnh: SƠN LÂM
Đây là vườn cây thuộc lô 50, làng 14, trong Nông trường cao su Trần Văn Lưu thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng. Trong khuôn viên 6,9ha đang có gần 1.300 cây cao su được trồng thời Pháp thuộc.
"Từ năm 2005, lô này đã được ngưng khai thác mủ để bảo tồn. Do lúc trước trồng bằng hạt nên các cây cao su phát triển tự nhiên, ít đồng đều. Khoảng 800 cây có đường kính hơn 60cm", chị Lệ giới thiệu.
Trong vườn cây này, những người làm bảo tồn của ngành cao su đã cất công khai thác đá từ dãy núi Cậu ở phía bắc, làm lại những căn nhà, phục chế hiện trạng những ngôi làng phu cao su sinh sống giống như thời các lô cao su còn trong tay người Pháp.
Nơi đó có hàng loạt bức tượng "công tra" sống động đang khai thác mủ cao su, đang nghỉ ngơi cơm chiều, thắp nhang thờ cúng ông bà và cả hình ảnh người nằm thoi thóp trên giường bệnh.
Bên cạnh đó là nhà máy chế biến mủ cao su được phục dựng từ những máy móc thời Pháp, một gian nhà truyền thống trưng bày nhiều vật dụng khai thác cao su xa xưa, và cả những sản phẩm lốp xe Michelin nổi tiếng khắp thế giới một thời mà chất liệu được làm từ cao su Việt Nam.
Một căn nhà của phu cao su ngày xưa được tái hiện - Ảnh: SƠN LÂM
Rừng đất xám trở thành đồn điền cao su hàng đầu thời Pháp
Nằm ở trung tâm phía tây miền Đông Nam Bộ, nhưng không như những vùng đất đỏ xung quanh, đất Dầu Tiếng là vùng đất xám bình nguyên được hai con sông Sài Gòn và Thị Tính tạo thành hình chữ V ôm lấy ba mặt.
"Nhiều sách vở lịch sử đều kể lại rằng khi xưa có một cây dầu rất to lớn ngã ra bắc thành cây cầu trên sông Sài Gòn. Dân sông nước đi qua đi lại lấy cây dầu nổi bật này để định vị, truyền tai nhau. Riết cây dầu nổi tiếng và gọi luôn là Dầu Tiếng", chị Lệ kể.
Truyền thuyết mà chị Lệ nhắc hẳn đã phải hình thành từ hơn 200 năm trước, bởi Dầu Tiếng đã là tên một thôn được ghi trong Địa bạ triều Nguyễn năm 1836.
Khi thực dân Pháp vào Nam Kỳ đã phân chia thôn này thuộc xã Định Thành (tổng Bình Thạnh Thượng, huyện Bình Long, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định) - nơi có khoảng 50 đến 60 gia đình sinh sống.
Theo sách Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng, khi những hạt cao su đầu tiên vào Việt Nam năm 1987, khu vực này vẫn là rừng rậm phủ lớp đất phù sa cổ màu xám nâu với dãy núi Cậu ở phía đông bắc thoải dần về phía nam nơi hội tụ ngã ba sông Sài Gòn - Thị Tính.
Ruột xe hãng Michelin được trưng bày trong Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng - Ảnh: SƠN LÂM
Thẻ công tra và các đơn xin nghỉ phép của công nhân thời Pháp được sưu tầm và trưng bày nhiều ở Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng - Ảnh: SƠN LÂM
Trong bối cảnh sốt cao su, năm 1917 Công ty Michelin, tiên phong trong việc chế tạo lốp xe trên thế giới còn thương hiệu đến tận ngày nay, đã vào khu vực này lập đồn điền.
Khu rừng già "cọp đi nghênh ngang bắt người giữa ban ngày" với nhiều loại gỗ quý như gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng... lần lượt bị đốn hạ, tập kết về Bến Súc, xuôi sông Sài Gòn về bán cho công ty hỏa xa, và thay vào đó là hạt cao su được đập nứt ra, gieo xuống, lấp đất lên cẩn thận.
Việc phá rừng, lấy gỗ và trồng cao su ban đầu chủ yếu được nông dân địa phương quanh các khu vực lân cận từ Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Dương đổ về.
Nhưng việc mở rộng rất nhanh diện tích cao su khiến nhu cầu lao động ngày càng cao, kéo theo những đợt tuyển mộ phu lao động quy mô lớn từ miền Bắc, miền Trung.
Năm 1925, Công ty Michelin thành lập thêm đồn điền Phú Riềng, nay là xã Thuận Phú (huyện Đồng Phú, Bình Phước). Đến năm 1930, số lượng "công tra" của Michelin đạt đến gần 10.000 người.
Diện tích cao su của đồn điền Dầu Tiếng đã từng đạt lên đến hơn 9.200ha. Cùng với 7.000ha cao su tại đồn điền Phú Riềng, Michelin trở thành một trong bốn công ty khai thác cao su lớn nhất của giới tư bản Pháp tại Việt Nam thời bấy giờ.
Đa số công nhân từ miền Bắc, miền Trung ở lại làm việc theo hợp đồng ký kết với chủ người Pháp. Hợp đồng, trong ,tiếng Pháp là contrat, người Việt quen đọc là "công tra". Năm 1911, khoảng 40 người từ Quảng Trị vào làm tại đồn điền Suzannah được xem là những người đầu tiên di cư vào Nam theo cao su.
Nhưng cột mốc về sự ra đời "công tra" được tính từ khi nghị định tháng 11 năm 1918, do Toàn quyền Đông Dương ký, quy định về việc tuyển mộ công nhân ở Nam Kỳ, được ban hành.
"Cò" tuyển phu cũng ăn theo đó ra đời. Với một người phu tuyển được từ miền Bắc, miền Trung, "cò" có thể kiếm được 5 đồng bạc vào đầu những năm 20, sau đó nhanh chóng tăng lên đến 12, 15 đồng khi nhu cầu lao động cấp thiết.
****************
"Ông cố mình người Hà Nội vào làm công tra cho Pháp lúc cao su mới bắt đầu trồng ở Bình Long. Đến đời cha mình làm nhà máy chế biến cao su, mẹ là công nhân khai thác mủ cho đến đời mình".
>> Kỳ tới: Những “dòng họ” cao su
Sơn Lâm - Thái Lộc
Theo Báo Tuoitre.vn