Năm 2014, khi xem cuộc thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su, tiến sĩ Abdul Aziz S.A. Kadir - tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu và phát triển cao su quốc tế (IRRDB) - đã hết sức ngạc nhiên trước tốc độ và kỹ thuật của công nhân nước Việt.
Nữ thợ cạo từ Sơn La đến với cuộc thi năm 2020 - Ảnh: VĂN CƯỜNG
Cuộc thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức hai năm một lần.
Kỹ thuật cạo, con dao cạo của Việt Nam đã được đánh giá là vào hàng đầu thế giới hiện nay và khi ông Tổng thư ký Abdul Aziz được xem tận mắt các tay thợ giỏi hàng đầu của ta thi tài thì chỉ có xuýt xoa khen khợi, không nghĩ họ có thể đạt đến trình độ như vậy.
Tiến sĩ NGUYỄN ANH NGHĨA
Cuộc thi thố của thợ cạo khắp Đông Dương
"Quá ấn tượng với cuộc thi, ông Kadir đã yêu cầu tôi làm sao phải có phim về cuộc thi Bàn tay vàng của Việt Nam để trình chiếu cho lớp tập huấn cán bộ quốc tế tại Hội nghị cao su quốc tế năm 2018 ở Bờ Biển Ngà nhằm giới thiệu cho các nước khác cuộc thi độc đáo này", tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa - Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam - kể lại.
Cứ đến tháng 6 năm chẵn, khắp nơi sẽ diễn ra các cuộc thi chọn thợ giỏi từ cấp tổ, rồi thi cấp nông trường, cấp công ty để chọn ra sáu người, gồm năm người thi chính và một người dự bị, đại diện cho công ty cao su của mình để dự vòng chung kết do tập đoàn tổ chức vào tháng 12.
Để cây cao su có thể cho mủ tốt và có thời gian "cống hiến vàng trắng" lâu bền, một miệng cạo ngửa phải đạt độ sâu cách tượng tầng từ 1,1mm đến 1,3mm, cạo cạn quá thì ít mủ, còn cạo phạm gỗ sẽ gây u lồi, vỏ tái sinh kém.
Độ dày lớp dăm rơi ra phải chỉ từ 1,1mm đến 1,5mm, làm sao để một miệng cạo trong một năm chỉ mất tối đa 18cm vỏ cây. Độ dốc miệng cạo ngửa là 32 độ so với trục ngang. Đường cạo phải đúng độ dốc, miệng cạo phải tạo lòng máng vào thân cây để mủ không bị chảy tràn, vuông tiền, vuông hậu, không lệch miệng, không vượt ranh, không lượn sóng…
Những kỹ thuật cạo mủ cứ ong ong trong đầu khi chúng tôi nghe tiến sĩ Nghĩa giảng giải, và chỉ "giật mình" khi nghe ông nói: "Khó vậy đó, mà vô vòng chung kết nhiều người 15 phút đã cạo được 100 cây rồi, có cả nữ".
Ban giám khảo chấm phần thi dụng cụ đẹp của các đội năm 2020 - Ảnh: VĂN CƯỜNG
Từ năm 2012, cuộc thi đã mở rộng thêm cho cả các công ty từ Campuchia, Lào và các công ty ngoài Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, trở thành cuộc thi chung cho toàn bộ những người biết cạo mủ trên toàn cõi Đông Dương.
Khoảng hơn 200 thí sinh đến với cuộc thi chung kết của tập đoàn sẽ trải qua các phần thi lý thuyết, dụng cụ và thực hành như đã từng thi ở cấp nông trường, cấp công ty. "Riêng kỳ thi chung kết tập đoàn, phần thi lý thuyết sẽ có bộ đề in song ngữ thêm tiếng Lào và tiếng Campuchia. Thi quốc tế mà", tiến sĩ Nghĩa cười.
Phần thi thực hành là buổi hội thực sự khi các nông trường theo đội của mình tụ về cuộc thi bao giờ cũng mang theo trống, cờ, và hò hét hết mình cổ vũ. Tiếng súng vang lên, trong vòng 20 phút, người thợ phải cạo và đặt chén hứng mủ xong 100 cây cao su đã được chỉ định.
Đây là các cây cao su trong vườn khai thác được ba năm đã được tuyển chọn đồng đều để tạo sự công bằng cho người thi. Đường cạo là nửa vòng thân cây dài khoảng 25cm với tất cả các yêu cầu kỹ thuật như đã nói ở trên. "Chỉ trật 0,1mm xem như không đạt".
Nhưng 100 cây cạo trong vòng 20 phút thì… quá dễ đối với những người tới chung kết. Nên vào đầu cuộc thi, họ còn được phát một cờ vàng đem theo khi cạo.
15 phút, khi tiếng súng thứ hai vang lên, họ sẽ thả cờ vàng xuống để xác định mình đã cạo được bao nhiêu cây trong vòng 15 phút. 5 phút còn lại là thời gian để cạo bổ sung đủ 100 cây và đi chỉnh sửa lại chén đựng mủ cho đẹp.
“Bà nội” Nguyễn Thị Mơ tham dự hội thi cạo mủ giỏi do Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng tổ chức năm 2020 - Ảnh: HOÀNG TRẦN
"Bà nội" đem cúp vĩnh viễn về cho công ty
Năm 2020, đội Cao su Phú Riềng đã vượt qua đội Cao su Dầu Tiếng đúng 0,5 điểm để đoạt giải nhất chung kết của tập đoàn, tiếp nối bảo vệ hai giải nhất trước đó vào năm 2016, 2018. Tập đoàn cao su đã cho đúc ngay một "cúp vàng vĩnh viễn" cho thành tích ba năm liên tiếp mà lần đầu tiên sau 12 lần tổ chức cuộc thi mới có một công ty đạt được.
Chúng tôi tìm về Nông trường 9 của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng, nơi có đến hai nữ thợ cạo đoạt giải nhì và giải ba cá nhân trong cuộc thi năm 2020, góp công lớn trong chiến thắng giải đồng đội.
"Cả đội tuyển mới được công ty thưởng đi chơi 10 ngày ở Tây Bắc về, tại dịch COVID-19 dữ quá nên phải dời tới bây giờ", chị Lê Thị Thương, 37 tuổi, tổ 5, Nông trường Long Tân, tiếp chuyện khi trút những xô mủ cuối cùng thu về từ vườn cây bằng những động tác gọn gàng. Năm 2006, chị Thương được nhận vào nông trường.
Đến năm 2012, lần đầu chị đạt được thành tích nằm trong sáu người giỏi nhất tổ 5, nhưng rớt ngay tại cuộc thi nông trường. Phải đến năm 2014, chị Thương mới được gọi tên vào "tháng luyện thi" do Cao su Phú Riềng tổ chức.
"Đó là một tháng mình tập trung, được công ty trả lương, chỉ luyện thi lý thuyết và tập cạo ở những cây cao su do vườn chỉ định. Sau một tháng, các thầy trong ban kỹ thuật của công ty sẽ chọn ra sáu người giỏi nhất lập đội đi thi cấp công ty. 14 người bị loại sau tháng luyện thi này, nhiều người đã khóc", chị Thương kể.
Chị Lê Thị Thương nổi tiếng cạo đẹp, cạo giỏi trong ngành cao su - Ảnh: SƠN LÂM
Lần đầu được thi vòng chung kết, những tiếng trống cổ vũ, hò reo và cả "tiếng thở" của giám khảo chạy theo quan sát mình cạo từng cây cao su đã khiến chị Thương run cầm cập. "Tâm lý lúc ấy còn chưa quen chỗ đông người và không khí náo nhiệt, mình xanh lét mặt mày. Nghe tiếng súng cái đùng hồn vía lên mây", chị Thương cười nhớ lại.
Năm đó, chị Thương không có giải. Nhưng kinh nghiệm giúp chị vào năm 2018 đã đoạt giải ba tập đoàn khi cạo được 96 cây cao su "đúng từng 0,1mm" sau 15 phút.
Năm 2020, sau 15 phút, chị Thương cạo được 97 cây, thua thợ nam thuộc Cao su Dầu Tiếng đoạt giải nhất cá nhân đúng một cây. Nhưng thành tích ấy cũng đủ để chị Thương trở thành công nhân nữ từng đoạt giải cao nhất của cuộc thi mà trước nay các thợ nam đều chiếm ưu thế.
Chị Thương giỏi là vậy, nhưng người phụ nữ nổi tiếng nhất trong làng cạo mủ Cao su Phú Riềng là chị Nguyễn Thị Mơ, sinh năm 1980. Trở về sau kỳ du lịch của công ty, chị Mơ đang tất bật chuẩn bị lễ cưới cho con trai đầu. "Nên mọi người cứ trêu mình là bà nội cạo mủ", chị Mơ cười vui vẻ.
Từ năm 2006, chị Mơ đã lọt vào đội tuyển của Cao su Phú Riềng. Trừ năm 2014 và 2016, chị đã tham dự cuộc thi chung kết tập đoàn tám lần.
"Sau này thi trắc nghiệm thì khỏe rồi. Hồi trước thi lý thuyết còn viết tự luận, mình thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy, chữ nào in hoa. Thi mãi đến năm 2020 mới may mắn được giải ba tập đoàn, đúng là khó thật nhỉ", chị Mơ lại cười.
Thực tế, những người của công ty đều biết chị Mơ đóng góp rất lớn trong việc giữ "cúp vàng vĩnh viễn" lại cho Cao su Phú Riềng qua các lần tham dự. Bởi khi thi đấu, chị Mơ luôn ưu tiên cẩn trọng, không chú ý đến thành tích cá nhân mà tập trung làm sao để không phạm quy, tránh ảnh hưởng thành tích toàn đội.
"Tốc độ thì nữ không bằng nam được, nhưng cẩn thận về kỹ thuật thì nữ hơn. Đó là lý do rất nhiều người nữ đến được chung kết cuộc thi", chị Mơ nhận định. Năm nay, "bà nội" cho biết mình sẽ tiếp tục cố gắng để được tham dự cuộc thi cấp tập đoàn thêm lần nữa "trước khi về hưu".
****************
Giờ đây, đồng bào Tây Bắc trồng cao su đã quen việc tranh thủ cạo mủ lúc sáng sớm hoặc chiều mát, còn lại đủ để tiếp tục làm thêm nương rẫy…
Kỳ tới: Đem "vàng trắng" lên vùng núi địa đầu Tổ quốc
Thái Lộc - Sơn Lâm
Theo Báo Tuoitre.vn